Khi có nhu cầu thành lập công ty, các cá nhân, tổ chức trước tiên cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Để biết nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp, cần hiểu rõ về tính chất, đặc điểm và điều kiện của từng loại hình doanh nghiệp này.
Các bước thành lập công ty
1. Chọn loại hình công ty
Luật Doanh nghiệp hiện hành đang công nhận 05 loại hình doanh nghiệp, gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 2 thành viên trở lên;
- Công ty TNHH 1 thành viên;
- Công ty cổ phần; - Công ty hợp danh; - Doanh nghiệp tư nhân.
2. Xác định tên công ty, nơi đặt trụ sở, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh
2.1 Về tên công ty
Theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020, hướng dẫn bởi Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi đặt tên cho công ty, các tổ chức, cá nhân cần có những lưu ý sau:
• Tên tiếng Việt gồm 02 thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng;
• Tên công ty không được trùng với tên của công ty khác;
• Không sử dụng tên cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội… để đặt tên công ty;
• Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, thuần phong, mỹ tục..
2.2. Nơi đặt trụ sở công ty
Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, được xác định theo địa giới đơn vị hành chính.
2.3. Vốn điều lệ
Nếu lựa chọn loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc công ty TNHH, tổ chức, cá nhân phải xác định số vốn điều lệ.
• Nếu là công ty cổ phần: Vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty.
• Nếu là công ty hợp danh hoặc công ty TNHH: Là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty.
2.4. Ngành, nghề kinh doanh
Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Điều này có nghĩa là, khi thành lập doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải loại trừ các ngành, nghề mà pháp luật không cho phép kinh doanh.
Ngoài ra, cần lưu ý các ngành nghề bị hạn chế đầu tư, kinh doanh và các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
3. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh
Theo các Điều 19, 20, 21, 22 của Luật Doanh nghiệp 2020, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau. Cụ thể như sau:
- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân
• Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
• Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ doanh nghiệp tư nhân.
- Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh
• Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
• Điều lệ công ty
• Danh sách thành viên
• Bản sao giấy tờ pháp lý của từng thành viên
• Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp là nhà đầu tư nước ngoài.
- Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn
• Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
• Điều lệ công ty.
• Danh sách thành viên.
• Bản sao các giấy tờ sau đây:
+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức trong trường hợp thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài cần có bản sao giấy tờ pháp lý đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
• Giấy tờ pháp lý của cá nhân nếu cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
• Giấy tờ pháp lý của tổ chức nếu cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
• Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.