Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Abu Dhabi, bắt đầu chuyến thăm chính thức UAE


 Trưa 27/10 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Zayed, Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).

Đón Thủ tướng và Phu nhân tại sân bay có Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, Bộ trưởng chuyên trách về thu hút nhân tài Thani Bin Ahmed Al Zayoudi; Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp và Phu nhân cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại UAE.

Trong cuộc gặp ngắn với Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi tại sân bay, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm chính thức UAE. Bộ trưởng, Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đánh giá đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương.

Ông cảm ơn Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thúc đẩy hợp tác với UAE, đồng thời nhấn mạnh UAE coi trọng quan hệ với Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Abu Dhabi, bắt đầu chuyến thăm chính thức UAE - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân đến sân bay quốc tế Zayed, Abu Dhabi, UAE (Ảnh: Hồng Nguyễn).

UAE là hành trình dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm 3 nước Trung Đông lần này.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức UAE từ ngày 27 đến 29/10, theo lời mời của Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất Mohamed bin Zayed Al Nahyan.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam đến UAE sau 15 năm nên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ của Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu với các nước.

Trong chuyến thăm chính thức lần này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ hội đàm với Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan, gặp gỡ lãnh đạo cấp cao UAE và đại diện các tập đoàn lớn của quốc gia này.

UAE là nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực vùng Vịnh. Đây là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu ở Trung Đông, cũng là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

UAE có vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Những năm gần đây, UAE chủ động thúc đẩy xu thế hòa dịu tại khu vực và tích cực triển khai chính sách "hướng Đông", coi trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Abu Dhabi, bắt đầu chuyến thăm chính thức UAE - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân chụp ảnh cùng thiếu nhi UAE (Ảnh: Hồng Nguyễn).

Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993. Hơn 30 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - UAE ngày càng phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, lao động và du lịch.

Sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố.

Mới đây, trong buổi tiếp Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi cùng lãnh đạo 19 tập đoàn lớn của UAE hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với UAE - một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Theo Thủ tướng, Việt Nam coi UAE là cửa ngõ để tăng cường hợp tác với khu vực Trung Đông và sẵn sàng làm cầu nối để UAE thúc đẩy hợp tác với ASEAN.

Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác Việt Nam - UAE.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Abu Dhabi, bắt đầu chuyến thăm chính thức UAE - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức UAE từ ngày 27 đến 29/10 (Ảnh: Hồng Nguyễn).

UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022.

Hai nước phấn đấu sớm đạt được mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch thương mại trong tương lai gần và cao hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Việt Nam xuất khẩu sang UAE chủ yếu các mặt hàng như điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép… và nhập khẩu từ UAE các mặt hàng: chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc, máy móc thiết bị phụ tùng, kim loại thường, hóa chất.

Về đầu tư, UAE là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với tổng số 42 dự án đầu tư trực tiếp (FDI), tổng vốn là 74,09 triệu USD, đứng thứ 52/148 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (tính lũy kế đến tháng 9/2024).

Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE được đánh giá còn rất lớn, bởi hai nền kinh tế có thế mạnh bổ sung cho nhau. Hai nước đã tiến hành đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) từ tháng 6/2023 và nhất trí sớm hoàn tất đàm phán để đi đến ký kết hiệp định CEPA.

Kết thúc chuyến thăm chính thức UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Qatar; thăm và tham dự Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 tại Vương quốc Ả-rập Xê-út, từ 29/10 đến 1/11.

Bạn có thể thích những bài đăng này: