Chiến dịch cao điểm chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp. Việc triển khai chiến dịch theo chỉ đạo từ Trung ương không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn góp phần bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, kiến tạo một thị trường ổn định và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, nếu thực hiện chiến dịch theo hướng kiểm tra đột ngột, xử phạt nghiêm mà thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng và công tác tuyên truyền rộng rãi, sẽ rất dễ gây ra tâm lý hoang mang, đối phó trong cộng đồng doanh nghiệp và tiểu thương. Thậm chí, một số hộ kinh doanh có thể chọn cách “tạm lánh” bằng cách đóng cửa hàng, ngừng hoạt động để né tránh kiểm tra. Điều này không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, mà còn khiến mục tiêu làm sạch thị trường bị ảnh hưởng.
Muốn chiến dịch đạt hiệu quả thực chất, cần có bước đi bài bản: tăng cường truyền thông, hỗ trợ nhận thức cho người kinh doanh, kết hợp kiểm tra có trọng tâm, minh bạch, công bằng. Chống hàng giả là việc cần làm, nhưng làm thế nào để vừa quyết liệt vừa thuyết phục, mới là điều cần tính đến.